Xu hướng hình thành hệ sinh thái công nghiệp

26/05/2022124

Thay vì chỉ cho thuê đất và nhà xưởng, BĐS công nghiệp hiện được đầu tư sâu hơn, có dịch vụ, đô thị và xu hướng hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Diện mạo mới của các khu công nghiệp

Dù khởi đầu đơn thuần là một khu công nghiệp cho thuê đất với quy mô 500 ha, nhưng trong quá trình phát triển, khu công nghiệp VSIP I do Công ty liên doanh VSIP – liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Industries làm chủ đầu tư, được xem là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu của Việt Nam nhờ hệ thống quản lý và kết cấu hạ tầng đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau 25 năm hoạt động, khu công nghiệp này đã được phủ kín 100% với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD với 231 dự án.

VSIP 2, một trong những khu công nghiệp hiện đại kiểu mẫu tại Việt Nam

Đến khu công nghiệp VSIP II, bắt đầu phát triển năm 2006, quy mô đã mở rộng hơn 2.000 ha và chủ đầu tư đã định hướng quy hoạch phát triển thành khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ ngay từ đầu. Hiện nay, VSIP II đã hoàn thành xây dựng hạ tầng, lấp đầy khoảng 99% diện tích đất công nghiệp cho thuê, thu hút gần 340 dự án công nghiệp với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Một điểm đáng chú ý trong cách xây dựng khu công nghiệp của VSIP là mỗi dự án mới khi được giới thiệu ra thị trường, chủ đầu tư luôn tìm cách “lên đời” để những dự án sau luôn tốt hơn dự án trước. Tháng 3/2022, Công ty VSIP tiếp tục khởi công xây dựng Khu công nghiệp VSIP III tại Bình Dương với quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng.

VSIP III đánh dấu cột mốc quan trọng mới đối với chủ đầu tư này, vì dự án thực hiện việc chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn với thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại khu công nghiệp, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh.

Không chỉ VSIP luôn tìm cách làm mới cho các dự án của mình, mà nhiều nhà phát triển công nghiệp cũng bắt đầu cuộc đua hình thành lối sống công nghiệp mới. Trong đó, công nghiệp tiếp tục là “trái tim”, còn đô thị và dịch vụ sẽ hoàn chỉnh như một thành phố vệ tinh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên sử dụng, kinh tế tuần hoàn được chú trọng nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

Sau thành công của Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai) do Tập đoàn Amata làm chủ đầu tư, có quy mô 513,01 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 90%, với các ngành nghề thu hút đầu tư đòi hỏi phải thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm, ít thâm dụng lao động, cuối năm 2018, doanh nghiệp này cũng đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 3.535 tỷ đồng, quy mô 123 ha.

Nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đến từ Thái Lan này cũng tiếp tục “lên đời” cho dự án tiếp theo khi đầu tư dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (Đồng Nai), diện tích 410 ha. Đây là dự án khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai, dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ cao vào thuê đất, làm nhà máy sản xuất.

Chú trọng yếu tố xanh, bền vững

Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp trải qua 4 lần “lột xác”. Khởi đầu từ mô hình khu công nghiệp tập trung truyền thống chỉ có nhà xưởng, đến mô hình công nghiệp – đô thị, công nghiệp – đô thị – dịch vụ và hiện nay mô hình hướng tới là hệ sinh thái công nghiệp xanh và bền vững. Nhưng dù xuất phát từ mục tiêu nào, thì vấn đề an toàn lao động, thân thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội vẫn là cốt lõi. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà các “đại bàng” lựa chọn để “làm tổ”. Chẳng hạn, Tập đoàn Lego – nhà đầu tư đến từ Đan Mạch đã chọn VSIP III vì nơi này có thể đáp ứng các yêu cầu xanh của họ. Ông Preben Elnef, Phó chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết, doanh nghiệp đang cố gắng để dự án phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời để bảo đảm nhà máy trung hòa về khí thải carbon.

Chủ đầu tư khu công nghiệp VSIP III cũng xác nhận tại khu công nghiệp này sẽ có trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha để cung cấp điện cho các khách hàng như Lego. Ông Kelvin Teo, đồng Chủ tịch VSIP Group cho biết, VSIP III đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược phát triển bền vững và sẽ trở thành môi trường làm việc xanh tại Việt Nam.

Theo ông Kelvin Teo, trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh dần phổ biến, hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh.

Cùng với VSIP, Công ty Gaw NP Capital mới đây đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng United Overseas Việt Nam về thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Dự án GNP Yên Bình 2 (Thái Nguyên) và Dự án GNP Nam Đình Vũ (Hải Phòng) để phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao và đổi mới tại Việt Nam. Quỹ đầu tư này cũng ký ghi nhớ với Tập đoàn REE để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch thông qua cam kết lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên 90 ha diện tích mái các dự án của GNP tại Việt Nam.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương cũng cho biết, doanh nghiệp ông đang mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc (Bình Dương) từ 212 ha lên 348 ha và sẽ tiến dần tới xây dựng thành khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ.

Theo ông Đạt, xu hướng phát triển là khu công nghiệp cũng cần nhà ở và các tiện ích xung quanh để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở, tiện ích, cũng như thu hút được người lao động và chuyên gia đến làm việc.

Tại Bình Thuận, hướng tới hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh và bền vững, trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2030, Bình Thuận đề xuất phương án thành lập, điều chỉnh và bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển KCN cả nước. Theo đó, tại địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã Lagi, đề xuất quy hoạch, thành lập Khu công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị với quy mô từ 540,0 ha tăng lên 4.984,11 ha vào năm 2030.

Theo Thành Phương – BQLKCN