Quy trình lập dự toán xây dựng phần dân dụng

13/07/201978

Trên thực tế hiện nay có nhiều bạn thường lập dự toán thiếu hệ thống và thường phức tạp hóa vấn đề. Hệ quả là đa số nhận thấy lập dự toán xây dựng công trình không phải đơn giản.

Nhưng theo tôi việc lập dự toán xây dựng công trình không phức tạp như các bạn nghĩ đâu mà thực chất việc lập dự toán xây dựng công trình rất đơn giản nếu các bạn nắm rõ các bước cơ bản sau:

CÁC BƯỚC LẬP DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Để biết việc lập dự toán cần có những bước nào trước hết ta phải biết dự toán xây dựng là gì ? và bao gồm những thành phần nào ?

–  Dự toán xây dựng công trình là bảng tính toán trước chi phí của dự án, công trình hay một hạng mục công trình để thực hiện.

–  Dự toán xây dựng công trình bao gồm các thành phần sau: Mã số (mã hiệu định mức); Khối lượng; đơn vị tính; đơn giá và thành tiền như hình 1.

Hình 1

Vậy để lập dự toán xây dựng công trình ta đơn giản là ta phải có 3 thành phần chính:

1. Danh mục khối lượng

2. Đơn giá

3.Thành tiền

Bây giờ mình sẽ đi từng phần nhé.

Đầu tiên là danh mục khối lượng:

Để có danh mục khối lượng ta căn cứ vào Bản vẽ thiết kế kỹ thuật để tính toán đo bóc khối lượng và Định mức của công việc để lập Bảng danh mục liệt kê khối lượng các công tác cần phải thực hiện và đơn vị tính tương ứng ví dụ như khi đo bóc khối lượng một cái móng bê tông thì có bảng phải liệt kê công tác sau: Đào đất (m³, 100m³), Lắp đặt và tháo dỡ ván khuôn (m², 100m²); Lắp đặt cốt thép (kg, tấn); đổ bê tông (m³) và cuối cùng là Lấp đất, đầm chặt (m³, 100m³).

Hinh 2

Thứ 2 là Đơn giá: 

Để biết được đơn giá của một công việc ta phải phân tích thành phần cấu thành của nó qua ví dụ sau:
Ví dụ 1: Công tác “Bê tông móng đá 1×2 M300” ở hình 1 có đơn giá là 2.202.910 đồng:

Hình 3

Nhìn vào hình 3 ta thấy đơn giá Công tác “Bê tông móng đá 1×2 M300” được cấu thành bởi các thành phần: Vật liệu; Nhân công; Máy thi công và các chi phí như chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng.

Tới đây chắc chắn sẽ có bạn hỏi tôi làm sao ta lại có được “Bảng phân tích đơn giá” trên. Câu trả lời đó là để có được bảng phân tích đơn giá trên ta phải căn cứ vào Bộ định mức do Bộ xây dựng ban hành, đơn giá thực tế của Vật liệu, nhân công, máy thi công và Thông tư “hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng” của Bộ xây dựng để tính các chi chí: Chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước… (tại thời điểm tôi viết bài là Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016)

Lưu ý:

Định mức do Bộ xây dựng công bố chỉ có tính chất tham khảo chúng ta có thể tự lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập mới cho phù hợp. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam hiện này đại đa số đều dùng định mức của Bộ xây dựng để lập.

Cuối cùng là Thành tiền:

Thành tiền = Khối lượng * Đơn giá

Tóm lại:

Lập dự toán xây dựng công trình là việc xác định Danh mục khối lượng để thực hiện và đơn giá của nó để xác định chi phí xây dựng.

Khối lượng: Xác định trên cơ sở Bản vẽ thiết kế kỹ thuật và Định mức công việc.

Đơn giá: Xác định căn cứ Định mức công việc + đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công + các khoản chi phí khác (chi phí trực tiếp, chi phí chung, thuế giá trị gia tăng…).