Hợp đồng xây dựng – chuyển giao dự án đường trục phát triển phía bắc Thành phố Hà Đông – Tỉnh Hà Tây

23/06/2019125

Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án

Mật khẩu : Cuối bài viết

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————-

HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG – CHUYỂN GIAO

DỰ ÁN ĐƯỜNG TRỤC PHÁT TRIỂN PHÍA BẮC

THÀNH PHỐ HÀ ĐÔNG – TỈNH HÀ TÂY

(Hợp đồng BT)

SỐ: …..….. /HĐBT

 

GIỮA

SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HÀ TÂY

(LÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐƯỢC UBND TỈNH HÀ TÂY UỶ QUYỀN LÀM ĐẠI DIỆN)

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI – DU LỊCH NAM CƯỜNG

(LÀ NHÀ ĐẦU TƯ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HÀ TÂY, THÁNG 01 NĂM 2008
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————

HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG – CHUYỂN GIAO

DỰ ÁN ĐƯỜNG TRỤC PHÁT TRIỂN PHÍA BẮC THÀNH PHỐ HÀ ĐÔNG – TỈNH HÀ TÂY

SỐ: …..….. /HĐBT

 

CĂN CỨ:

– Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

– Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Luật Xây dựng số 16/2002/QH11 ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Luật Doanh nghiệp số 60/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 ngày 29/06/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 về việc Quy định chi tiết về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

– Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản;

– Nghị định số 78/2007/NĐ – CP ngày 11/05/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT);

  • Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;
  • Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;
  • Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế khu đô thị mới; và Thông tư 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện quy chế khu đô thị mới ban hành theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ;
  • Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
  • Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/07/2007 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
  • Công văn số 1600/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình (năm 2007);
  • Công văn số 1601/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố chỉ số giá xây dựng;
  • Công văn số 1739/TTgCP-CN ngày 15/11/2007 của Thủ tướng chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nối liền với đường Lê Văn Lương kéo dài của thành phố Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BT và đầu tư khu đô thị mới Dương Nội;
  • Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 23/11/2007 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây về việc chấp thuận hồ sơ đề xuất dự án đầu tư đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông và Dự án khác (khu đô thị Dương Nội) theo hình thức hợp đồng BT của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Cường;
  • Văn bản số 03/SXD-TĐ của Sở Xây dựng ngày 04/01/2007 về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Dương Nội thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây;
  • Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, qua địa bàn thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây;
  • Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt quy hoạch 1/2000 trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông;
  • Quyết định số 1564/SGTVT-KT ngày 15/12/2007 của Sở Giao thông Vận tải về việc thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đầu tư trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông;
  • Quyết định số 2568/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Dương Nội, tỷ lệ 1/500 tại xã Dương Nội TP Hà Đông ngày 26/12/2007;
  • Quyết định số 2686/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thực hiện đầu tư dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông;
  • Tờ trình số 16-TT/LN-TC của Liên ngành Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế và UBND thành phố Hà Đông
  • Báo cáo Kết quả thẩm tra Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông – tỉnh Hà Tây của Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Hà Tây;
  • Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc cho phép đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Dương Nội, Thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây;
  • Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông do Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường làm chủ đầu tư.
  • Văn bản số 120 /UBND-TH ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh về việc chấp thuận nội dung thương thảo Hợp đồng BT dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông;
  • Các văn bản có liên quan khác;
  • Nhu cầu và mục đích của hai bên tham gia Hợp đồng;

 

Hôm nay, ngày 09 tháng 01 năm 2008 tại Sở Giao thông Vận tải Hà Tây, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây, chúng tôi gồm có:

  1. SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HÀ TÂY (BÊN A):

(Là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được UBND tỉnh Hà Tây uỷ quyền làm đại diện)

  • Người đại diện : Ông Phạm Tuấn Sơn
  • Chức vụ:         Giám đốc Sở
  • Địa chỉ cơ quan: Số 1A, Quang Trung, TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây
  • Điện thoại : 0343824314           Fax: 0343827980
  1. CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI – DU LỊCH NAM CƯỜNG (BÊN B):

(là Nhà đầu tư)

  • Người đại diện : Ông Trần Văn Cường
  • Chức vụ: Chủ tịch hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc
  • Địa chỉ:         Lô 24- đường Đông A – Khu đô thị mới Hoà Vượng – TP Nam                                     Định
  • Điện thoại :       832. 7643          Fax: 04.766.2438

 

Hai bên thống nhất ký kết Hợp đồng xây dựng – chuyển giao Dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông (gọi tắt là “Hợp đồng”) với những điều khoản như sau:

 

GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

  1. Dự án BT: Là dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
  2. Dự án khác: Là dự án Khu đô thị mới Dương Nội thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây, theo: quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được phê duyệt tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây ngày 26/12/2007; Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc cho phép đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Dương Nội, Thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây; Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông do Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường làm chủ đầu tư.
  3. Khu đất: là diện tích đất 174,23 ha đã được quy hoạch sử dụng để đầu tư xây dựng Dự án khác.
  4. Mặt bằng: Là mặt bằng Dự án BT và Dự án khác sau khi được bồi thường, giải phóng theo quy định của pháp luật.
  5. Công trình BT: Là đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây với chiều dài 5,07km (từ km 2+667 theo lý trình đường Lê Văn Lương kéo dài thành phố Hà Nội đến km 7+742) theo: Quyết định số: 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt quy hoạch 1/2000 trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông; theo kết quả thẩm định TKCS của Sở giao thông vận tải; Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông do Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường làm chủ đầu tư; Quyết định số 133/QĐ-NC ngày 02/01/2008 của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Cường phê duyệt tổng mức đầu tư dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây; Văn bản 120 /UBND-TH ngày 08 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh về việc chấp thuận nội dung thương thảo Hợp đồng BT dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông; Báo cáo của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Hà Tây về kết quả thẩm tra tổng dự toán.
  6. Các thuật ngữ khác không đề cập ở đây được hiểu là sử dụng theo các quy định giao dịch pháp luật hiện hành của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

ĐIỀU 1: MỤC ĐÍCH CỦA HỢP ĐỒNG

1.1       Hai bên cam kết thực hiện Dự án BT theo hình thức đầu tư Xây dựng – Chuyển giao (viết tắt theo tiếng Anh là “BT”), theo đó Bên B tự huy động vốn, tự tổ chức xây dựng hoàn thành Công trình BT sau đó chuyển giao cho Bên A sở hữu, quản lý, khai thác và sử dụng Công trình BT. Để hoàn trả cho việc Bên B xây dựng và hoàn thành Công trình BT, Bên A sẽ giao cho Bên B Khu đất để thực hiện Dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

1.2       Bên B chấp nhận và cam kết thực hiện Dự án BT và Dự án khác theo đúng quy hoạch và thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chuyển giao Công trình BT cho Bên A theo đúng tiến độ mà hai bên thỏa thuận tại Điều 6 Hợp đồng.

ĐIỀU 2: MỤC TIÊU, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN BT

2.1       Mục tiêu:

Đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông được xây dựng nhằm kết nối liên thông giữa Thành phố Hà Đông với Thủ đô Hà Nội và giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 nối liền từ Hà Nội – Hà Đông do sự tham gia giao thông của nhiều phương tiện giao thông quá cảnh. Ngoài ra khi tuyến đường được xây dựng xong sẽ tạo ra không gian kiến trúc cảnh quan để xây dựng các khu đô thị mới khang trang, hiện đại làm động lực phát triển kinh tế của TP Hà Đông nói riêng và tỉnh Hà Tây nói chung.

2.2       Phạm vi của Dự án BT:

Dự án BT được xây dựng với chiều dài 5,07km (từ km 2+667 đến km 7+742) đi qua địa phận phường Vạn Phúc và các xã: Dương Nội, Văn Khê và Yên Nghĩa thuộc TP Hà Đông; mặt cắt ngang 40 m; Cầu vượt đường sắt, cầu qua kênh La Khê và cống qua kênh N2.

Trên toàn tuyến của Dự án BT, điểm đầu thuộc địa phận phường Vạn Phúc, TP Hà Đông (đấu nối với điểm cuối của tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài của thành phố Hà Nội) tới điểm cuối của tuyến đường là giao cắt với đường vành đai IV (quy hoạch) thuộc địa phận xã Yên Nghĩa. Khu vực này bao gồm phường Vạn Phúc, các xã Văn Khê, Dương Nội, Yên Nghĩa của TP Hà Đông.

ĐIỀU 3: NGUỒN VỐN, KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ, TỐNG VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN BT

  • Nguồn vốn bao gồm vốn chủ sở hữu của Bên B và vốn do Bên B huy động theo quy định của pháp luật.
  • Khả năng tài chính: Vốn chủ sở hữu của Bên B tối thiếu bằng 20% tổng vốn đầu tư Dự án BT theo quy định của Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/05/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT.
  • Tổng vốn đầu tư của Dự án BT: 736.075.687.416 đồng (bằng chữ: bảy trăm ba mươi sáu tỷ không trăm bảy mươi lăm triệu sáu trăm tám mươi bảy nghìn bốn trăm mười sáu đồng);

Hai bên thống nhất tổng vốn đầu tư xây dựng Dự án BT không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng, trừ những trường hợp sau đây:

  • Các trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 21 Hợp đồng làm phá huỷ công trình trong quá trình thi công và thời gian bảo hành;
  • Thay đổi quy mô đầu tư Dự án BT do Bên A yêu cầu so với dự án đầu tư đã được phê duyệt.

ĐIỀU 4: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN A

4.1       Chủ trì, phối hợp với Bên B tiến hành các thủ tục cần thiết liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao Mặt bằng Dự án BT và Dự án khác cho Bên B thi công công trình trong thời gian sớm nhất kể từ ngày được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án BT với điều kiện là Bên B hoàn thành nghĩa vụ ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật và Điều 14 Hợp đồng.

4.2       Thực hiện các quyền về quản lý, giám sát và kiểm tra chất lượng Công trình BT theo quy định tại Điều 9 Hợp đồng. Tại bất kỳ thời điểm nào Bên A có quyền yêu cầu Bên B dừng thi công Công trình BT nếu xác định được Bên B thi công công trình không phù hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các giải pháp kỹ thuật của Dự án BT được duyệt.

4.3       Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Bên B thực hiện các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án BT, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Dự án khác và có các phê chuẩn cần thiết để Bên B có thể tiến hành triển khai xây dựng Dự án khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

4.4       Tổ chức tiếp nhận, sở hữu, quản lý và khai thác sử dụng Công trình BT khi Công trình BT được hoàn thành và bàn giao theo quy định tại Hợp đồng này và các quy định của pháp luật hiện hành.

4.5       Thực hiện việc thanh toán vốn đầu tư xây dựng Dự án BT theo đúng giá trị, phương thức và tiến độ quy định tại Điều 8 Hợp đồng.

4.6       Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Hợp đồng này.

ĐIỀU 5: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN B

5.1       Chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án BT; xin các phê chuẩn và thỏa thuận cần thiết để thực hiện Dự án BT, Dự án khác; xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án khác.

5.2       Tiến hành việc thi công xây dựng Dự án BT, Dự án khác theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các giải pháp kỹ thuật và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những công việc mà mình thực hiện.

5.3       Thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách tỉnh Hà Tây của Dự án khác cho Bên A theo quy định tại Điều 8 Hợp đồng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc thực hiện Dự án BT, Dự án khác theo quy định của pháp luật và Hợp đồng này.

5.4       Xây dựng và chuyển giao Công trình BT theo đúng tiến độ quy định tại Điều 6 Hợp đồng.

5.5       Thực hiện các nghĩa vụ về bảo hành, bảo hiểm đối với Công trình BT theo các quy định của pháp luật.

5.6       Xuất trình hồ sơ thanh quyết toán công trình theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng này khi có yêu cầu của Bên A, khi hai bên thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán và thanh lý Hợp đồng.

5.7       Có quyền ký các hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu, các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật.

5.8       Để hoàn trả cho việc Bên B xây dựng và hoàn thành Công trình BT, Bên A sẽ giao cho Bên B Khu đất để thực hiện Dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

  • Đối với dự án xây dựng nhà ở của Dự án khác chỉ được quyền huy động vốn và bán nhà cho các đối tượng được phép mua theo các điều kiện và quy định của pháp luật hiện hành.

5.10    Bên B phải dừng thi công Công trình BT nếu Bên A yêu cầu trên cơ sở xác định được Bên B thi công công trình không phù hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các giải pháp kỹ thuật của Dự án BT được duyệt.

5.11    Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Hợp đồng này.

ĐIỀU 6: TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN BT VÀ CHUYỂN GIAO DỰ ÁN BT

6.1       Tổng thời gian thực hiện Dự án BT là 18 tháng (545 ngày) kể từ ngày nhận được Mặt bằng do Bên A bàn giao.

Trong đó thời gian hoàn thành phần đường là 12 tháng, thời gian hoàn thành cầu là 18 tháng nhưng tổng thời gian thực hiện không quá 18 tháng.

6.2       Trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng theo quy định tại Điều 21 Hợp đồng và trường hợp do lỗi của Bên A làm ngừng trệ quá trình thi công thì hai Bên sẽ bàn bạc, thống nhất gia hạn thời hạn thi công Dự án BT trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hai Bên.

6.3       Bên B cam kết chuyển giao công trình cho Bên A đúng tiến độ đảm bảo yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Điều 5 Hợp đồng. Việc chuyển giao Công trình BT phải tuân thủ các Điều 31,32 và 33 của Nghị định 78/2007/NĐ-CP.

ĐIỀU 7: QUY MÔ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT, CHẤT LƯỢNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT

Quy mô đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các giải pháp kỹ thuật quy định thực hiện theo Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt quy hoạch 1/2000 trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông; Quyết định số 1564/SGTVT-KT ngày 15/12/2007 của Sở Giao thông Vận tải về việc thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đầu tư trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông; Văn bản số 120/UBND-TH ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh về việc chấp thuận nội dung thương thảo Hợp đồng BT dự án đường trục phát triển phía Bắc thành phố Hà Đông và Phụ lục số 01 kèm theo Hợp đồng này. Một số thông số chính của Dự án BT trong hợp đồng này được mô tả như sau:

Tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án BT được áp dụng theo tiêu chuẩn 20 TCN 104-2007 (tiêu chuẩn đường đô thị – đường phố chính đô thị). Tốc độ thiết kế: 60km/h. Tải trọng thiết kế: mặt đường trục xe 12 tấn; mô đun đàn hồi Eyc ≥ 178Mpa. Cầu tải trọng thiết kế: HL93, người 30Mpa. Xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo đường, đảm bảo đây là tuyến đường hiện đại, đáp ứng được các nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai. Các hạng mục đầu tư bao gồm: Đường giao thông (nền, mặt đường, hè vỉa…) có chiều rộng 40m, chiều dài 5,07km; các công trình cầu vượt sông và cầu cạn; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải; hệ thống cấp nước; hệ thống chiếu sáng; hào kỹ thuật; cây xanh; hệ thống an toàn giao thông.

ĐIỀU 8: GIÁ TRỊ HỢP ĐỒNG BT, PHƯƠNG THỨC, TIẾN ĐỘ THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN BT

8.1       Giá trị Hợp đồng BT:

            Giá trị Hợp đồng là Tổng vốn đầu tư Dự án BT nêu tại khoản 3.3 Điều 3 Hợp đồng            bằng 736.075.687.416 đồng (bằng chữ: bảy trăm ba mươi sáu tỷ không trăm bảy            mươi lăm triệu sáu trăm tám mươi bảy nghìn bốn trăm mười sáu đồng).

8.2       Phương thức thanh toán:

– Hai bên thoả thuận Bên A sẽ thanh toán cho Bên B toàn bộ giá trị Hợp đồng BT bằng 736.075.687.416 đồng (bằng chữ: bảy trăm ba mươi sáu tỷ không trăm bảy mươi lăm triệu sáu trăm tám mươi bảy nghìn bốn trăm mười sáu đồng), việc thanh toán được thực hiện thông qua đối trừ bằng tiền sử dụng đất Dự án khác.

Phần kinh phí dự phòng trong Tổng vốn đầu tư Dự án BT nêu tại khoản 3.3 Điều 3 Hợp đồng chỉ thực hiện thanh toán khi được sử dụng phù hợp theo quy định hiện hành của pháp luật.

– Các nghĩa vụ thanh toán khác của Bên B được thực hiện theo Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp của Dự án Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông do Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường làm chủ đầu tư.

8.3       Tiến độ thanh toán:

  • Bên A sẽ thanh toán cho Bên B toàn bộ giá trị thanh toán Hợp đồng tại thời điểm Bên B được bàn giao Mặt bằng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Dự án khác.
  • Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện Dự án khác theo trình tự như sau:
  • Đối với diện tích đất hỗn hợp thương mại, đất dịch vụ công cộng; đất ở cao tầng sẽ được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi cơ quan có thẩm quyền (do Bên A và Bên B thống nhất chỉ định) xác định bằng văn bản về giá trị Bên B đã đầu tư vào Công trình BT tương đương với giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đất mà bên B xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không trước khi Bên B đã hoàn thành việc bồi thường, san lấp mặt bằng và cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Dương Nội và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
  • Đối với diện tích nhà ở thấp tầng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và theo quy định tại Hợp đồng này.

8.3.3  Bên B phải nộp một lần vào ngân sách tỉnh Hà Tây toàn bộ số tiền chênh lệch sau khi đối trừ vào tài khoản nhà nước do Bên A chỉ định khi Bên A hoàn thành việc bàn giao toàn bộ diện tích Khu đất.

ĐIỀU 9: CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH:

9.1       Quyền hạn, trách nhiệm của Bên B:

  • Thành lập Ban Quản lý – Điều hành dự án, bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó ban Quản lý – Điều hành để quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, xây lắp, nghiệm thu bàn giao công trình, bảo hành xây lắp tuân thủ các quy định hiện hành của Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ và các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm xây dựng quy định theo pháp luật hiện hành khác. Bên B có trách nhiệm lập báo cáo kết quả thực hiện Dự án BT định kỳ một (01) tháng một lần cho Bên A.
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu: Đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, đơn vị thẩm tra thiết kế và tổng dự toán thi công của Dự án BT, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát theo các quy định của pháp luật. Bên B phải báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, mua sắm thực hiện Dự án BT cho Bên A trước khi triển khai thi công theo Điều 22 Nghị định 78/2007/NĐ-CP.

9.2       Quyền hạn, trách nhiệm của Bên A:

9.2.1  Thành lập Ban Quản lý dự án cùng với Bên B giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, nghiệm thu, nhận bàn giao công trình và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án BT.

9.2.2   Theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai Dự án BT theo quy hoạch, thiết kế cơ sở và Dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 10: CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG

10.1    Mọi cơ quan, đơn vị quản lý và tham gia thực hiện đầu tư Dự án BT đều phải có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và việc bảo vệ môi trường.

10.2    Công tác khai thác tài nguyên để làm vật liệu thi công xây dựng Dự án BT, Bên B phải có giấy phép của các cơ quan chức năng. Trong quá trình khai thác, Bên B chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan Nhà nước bảo vệ môi trường.

ĐIỀU 11: CÁC ĐIỀU KIỆN VỀ SỬ DỤNG ĐẤT, CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ CẦN THIẾT CHO XÂY DỰNG, VẬN HÀNH

11.1    Để phục vụ công tác thi công, ngoài diện tích đất được thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ để thực hiện Dự án BT, Nhà đầu tư được phép sử dụng tạm thời trong thời gian thi công tuyến đường diện tích đất hai bên đường mỗi bên là 6m tính từ chỉ giới đường đỏ. Phần công trình (cầu, cống tính từ chân taluy ra mỗi bên 7m) và được sử dụng thêm một số tuyến đường thi công công vụ và bãi tạm. Sau khi thi công xong, đất sử dụng tạm thời trong phạm vi trên sẽ được trả lại cho địa phương. Hoàn trả các tuyến đường phục vụ cho thi công theo quy định hiện hành.

11.2    Ưu tiên cho Bên B được sử dụng hệ thống công trình hạ tầng có liên quan phục vụ công tác vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị và thi công công trình.

 

ĐIỀU 12: CÁC QUY ĐỊNH VỀ TƯ VẤN, THẨM TRA THIẾT KẾ, NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH BT

Hai bên thống nhất thực hiện theo các quy định của Nhà nước về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Luật Xây dựng; Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

12.1    Tư vấn Thiết kế bản vẽ thi công và lập Tổng dự toán chi phí đầu tư xây dựng toàn             bộ tuyến đường: Bên B chỉ định công ty Tư vấn thiết kế đường bộ (HECO) thuộc       Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) thực hiện, trên cơ sở:

  • Thiết kế cơ sở tuyến đường đã được Sở Giao thông vận tải Hà Tây thẩm định và UBND Tỉnh Hà Tây phê duyệt cùng dự án đầu tư.
  • Quy hoạch 1/2000 trục đô thị phía Bắc Thành phố Hà Đông được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007.
  • Hồ sơ thiết kế cơ sở, thuyết minh Dự án và quy hoạch 1/500 khu đô thị mới Dương Nội do Sở Xây dựng Hà Tây thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật.

12.2   Thẩm tra Thiết kế bản vẽ thi công và Tổng dự toán chi phí đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến đường: Bên B chỉ định một đơn vị Tư vấn có tư cách pháp nhân, đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện. Trên cơ sở kết quả thẩm định của đơn vị tư vấn, Bên B ra quyết định phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và Tổng dự toán chi phí đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến đường theo quy định hiện hành của Nhà nước về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

12.3   Công tác nghiệm thu: Trong quá trình thi công tuyến đường, Bên B cùng đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công việc, hạng mục công việc cho các Nhà thầu thi công theo đúng các quy định Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đối với công tác nghiệm thu chuyển giai đoạn và nghiệm thu bàn giao đưa Công trình BT vào sử dụng, Bên A có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để Bên B thực hiện đúng trình tự về quản lý chất lượng phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐIỀU 13: BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

13.1    Bên B bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dưới hình thức bảo lãnh của ngân hàng thương mại có uy tín hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng này là 2% tổng vốn đầu tư Dự án BT.

13.2    Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký Hợp đồng và đến ngày Công trình BT được hoàn thành.

ĐIỀU 14: CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG VÀ BÀN GIAO MẶT BẰNG

14.1    Phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng:

Bao gồm phần diện tích thu hồi vĩnh viễn và phần diện tích tạm thu hồi.

  • Phần diện tích thu hồi vĩnh viễn: Nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ của tuyến đường. Trong phạm vi thu hồi vĩnh viễn, toàn bộ đất đai sẽ được thu hồi, các công trình nhà cửa, vật kiến trúc và cây cối hoa màu sẽ phải di chuyển để xây dựng tuyến đường và các công trình liên quan.
  • Phần diện tích tạm thu hồi: Là phạm vi tạm thời được thu hồi trong quá trình thi công tuyến đường. Bên B sẽ phá dỡ và di chuyển cây cối, nhà cửa, vật kiến trúc để sử dụng đất trong quá trình thi công. Sau khi thi công xong, đất trong phạm vi trên sẽ được trả lại cho địa phương. Phạm vi chiếm dụng tạm thời được tính từ chỉ giới đường đỏ của tuyến đường ra mỗi bên 6m và được sử dụng thêm một số tuyến đường thi công công vụ và bãi tạm.

14.2    Hình thức bồi thường và các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Quyết định 2398/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây ngày 11/12/2007.

14.3    Tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng:

  • Bên A chủ trì tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (thực hiện theo Nghị định số 197 của Chính phủ) và bàn giao mặt bằng cho Bên B theo hợp đồng này và theo quy định của pháp luật.
  • Bên B có trách nhiệm phối hợp với Bên A trong việc kiểm đếm, xác định giá trị bồi thường, lên phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ khi được hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phê duyệt, công bố công khai.
  • Việc bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ tiến hành khi có Quyết định thu hồi đất và phương án giải phóng mặt bằng được phê duyệt.

14.4    Bàn giao Mặt bằng Dự án BT và Dự án khác:

Sau khi Hợp đồng BT được ký kết, Bên A tiến hành các thủ tục cần thiết để bàn giao Mặt bằng Dự án cho Bên B triển khai thi công, đồng thời bàn giao Mặt bằng Dự án khác theo quy hoạch 1/500 để Bên B tiến hành đầu tư xây dựng theo tiến độ được duyệt.

ĐIỀU 15: TỔ CHỨC CHUYỂN GIAO CÔNG TRÌNH BT

Sau khi hoàn thành tuyến đường được ghi tại khoản 6.1 Điều 6 Hợp đồng và hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình BT, Bên B có trách nhiệm chuyển giao Công trình BT theo đúng tiến độ cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền do UBND tỉnh Hà Tây chỉ định để đưa vào khai thác sử dụng.

ĐIỀU 16: BẢO HÀNH VÀ BẢO HIỂM CÔNG TRÌNH BT

16.1    Bên B có trách nhiệm bảo hành Công trình BT theo quy định của pháp luật trong thời gian 24 tháng đối với bất cứ hư hỏng, sai sót nào của công trình xảy ra kể từ ngày hai bên ký biên bản nghiệm thu hạng mục Công trình BT đã hoàn thành để đưa vào sử dụng. Bên B phải có thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị tương đương 03% giá trị Hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ bảo hành Công trình BT.

16.2    Các hạng mục công trình bị hư hỏng, sai sót phải được Bên A lập thành danh sách gửi cho Bên B trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện ra hư hỏng, sai sót và chậm nhất 15 ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn bảo hành. Bên B có trách nhiệm tiến hành ngay việc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, sai sót đó sau khi nhận được thông báo của Bên A. Thời gian sửa chữa, khắc phục công trình do hai bên thỏa thuận tùy vào mức độ hư hỏng, sai sót của công trình trong một thời hạn hợp lý.

16.3    Bên B chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí liên quan đến bảo hành công trình. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bên A mà Bên B không sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, sai sót của công trình, Bên A có quyền chỉ định bên thứ 3 thực hiện việc bảo hành. Toàn bộ chi phí trả cho bên thứ 3 thực hiện việc bảo hành do Bên B thanh toán.

16.4    Việc bảo hành không gồm bất kỳ các thiệt hại:

  • Gây ra do lỗi hoặc sửa chữa, thay đổi của Bên A; hoặc
  • Do sự kiện bất khả kháng; hoặc
  • Đối với người hoặc tài sản ngoài các hạng mục được Bảo hành.

16.5     Bảo hiểm Công trình BT:

Bên B có trách nhiệm mua Bảo hiểm Công trình BT và các tài sản thuộc quyền sở hữu của Bên A giao cho Bên B thực hiện Dự án BT theo quy định của pháp luật về bảo hiểm các công trình xây dựng.

ĐIỀU 17: CƠ CHẾ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI DỰ ÁN BT

Bên B được hưởng các cơ chế ưu đãi theo Nghị định 78/2007/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và của tỉnh Hà Tây.

ĐIỀU 18: QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN, CHUYỂN NHƯỢNG VÀ THẾ CHẤP HỢP ĐỒNG

18.1    Bên B được quyền quyết định về phương thức huy động vốn để thực hiện Hợp đồng. Việc huy động vốn tuân thủ các quy định của pháp luật.

18.2    Bên B có thể chuyển nhượng hợp pháp các quyền hạn và nghĩa vụ đã cam kết trong Hợp đồng này cho Nhà đầu tư khác. Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần Hợp đồng phải được Bên A chấp thuận và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

18.3    Bên B được thế chấp tài sản hình thành từ Dự án BT trong quá trình thực hiện dự án nhưng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bên A và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu, tiến độ và hoạt động của Dự án quy định trong Hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐIỀU 19: THỰC HIỆN DỰ ÁN KHÁC

19.1    Để đổi lại việc Bên B thiết kế, xây dựng và chuyển giao toàn bộ Công trình BT cho Bên A theo quy định tại Hợp đồng này, Bên A giao đất cho Bên B thực hiện Dự án khác theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Dương Nội tỷ lệ 1/500 và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, cụ thể như sau:

  • Tên dự án: Dự án Khu đô thị mới Dương Nội thành phố Hà Đông
  • Vị trí: nằm về phía Bắc thành phố Hà Đông, giáp với xã Văn Khê, đường Lê Trọng Tấn, xã Dương Nội, Tây Mỗ, Đại Mỗ và Trung Văn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
  • Diện tích sử dụng đất: 174,23 ha.
  • Các loại công trình chính: Khu nhà ở hiện đại với nhiều loại hình: biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, công trình giáo dục y tế, công trình văn hóa, thể dục, thể thao v.v..
  • Tiến độ thực hiện theo Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 của UBND tỉnh Hà Tây.
    • Hai bên nhất trí như sau:

– Tổng giá trị quyền sử dụng đất Dự án khác tại thời điểm ký hợp đồng BT là: 5.356.543.740.000 đồng như quy định tại Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 08/01/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách của Dự án Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông do Công ty Thương mại và Du lịch Nam Cường làm chủ đầu tư. Giá trị này là cố định và không được tính toán lại trong suốt thời gian Bên B thực hiện Dự án khác.

– Tổng chi phí bồi thường GPMB, đầu tư xây dựng toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đối trừ bằng giá trị quyền sử dụng đất được dự toán là: 4.282.891.843.000 đồng. Để được chính thức thanh quyết toán tổng chi phí nói trên, Bên B có trách nhiệm lập hồ sơ nghiệm thu và trình cấp có thẩm quyền của tỉnh Hà Tây phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước; sau khi thực hiện quyết toán nếu tổng chi phí đầu tư nói trên thấp hơn 4.282.891.843.000 đồng thì Bên B có trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách tỉnh Hà Tây phần chênh lệch nói trên; ngược lại nếu tổng chi phí đầu tư nói trên lớn hơn 4.282.891.843.000 đồng thì Bên B không được Bên A hoàn trả lại phần chênh lệch nhưng Bên B được tính phần chênh lệch này vào tổng mức đầu tư của Dự án khác để làm căn cứ xác định thu nhập chịu thuế.

19.3    Bên B phải thực hiện các thủ tục liên quan đến giao đất để thực hiện Dự án khác theo quy định của luật đất đai hiện hành.

ĐIỀU 20: THÔNG BÁO

20.1    Tất cả các thông báo quy định trong Hợp đồng này phải được lập thành văn bản và được (i) gửi trực tiếp, hoặc (ii) qua bưu điện, hoặc (iii) gửi bằng fax và bản gốc được gửi qua bưu điện trong vòng ba (03) ngày làm việc theo địa chỉ được ghi cụ thể tại phần đầu của Hợp đồng này.

20.2    Thông báo sẽ có hiệu lực ngay khi người nhận (i) nhận trực tiếp hoặc (ii) nhận qua bưu điện, hoặc (iii) nhận bằng fax tại địa chỉ và số fax ghi cụ thể tại phần đầu của Hợp đồng này.

20.3    Mỗi bên sẽ thông báo cho bên kia bất kỳ thay đổi nào về địa chỉ, số điện thoại hoặc số fax của mình.

ĐIỀU 21: BẤT KHẢ KHÁNG

21.1    Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng này do những sự kiện có tính chất bất thường và nằm ngoài tầm kiểm soát của bên bị ảnh hưởng như: thiên tai, địch họa, hoả hoạn, những quyết định hay sự thay đổi trong chính sách, pháp luật của Nhà nước mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép.

21.2    Nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng, việc một bên không thực hiện được hoặc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng này sẽ không bị coi là vi phạm Hợp đồng. Tuy nhiên, trong vòng bảy (7) ngày kể từ ngày xảy ra trường hợp bất khả kháng bên bị ảnh hưởng phải gửi ngay thông báo cho bên kia khi nhận thấy rằng mình không thể thực hiện được nghĩa vụ hoặc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng do trường hợp bất khả kháng gây ra. Sau đó các bên sẽ thường xuyên trao đổi để thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc giảm nhẹ hậu quả của sự kiện bất khả kháng và giải quyết các hậu quả khác của sự kiện bất khả kháng.

ĐIỀU 22: CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG

Hợp đồng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

22.1    Hai bên đồng ý chấm dứt Hợp đồng bằng văn bản. Trong trường hợp này, hai bên sẽ thỏa thuận các điều kiện và thời hạn chấm dứt;

22.2    Một bên vi phạm bất kỳ quy định nào trong Hợp đồng này nhưng không sửa chữa khắc phục vi phạm đó trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên kia về việc vi phạm và yêu cầu sửa chữa, khắc phục vi phạm;

22.3    Bên B bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;

22.4    Các bên hoàn thành mọi quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Hợp đồng này;

  • Do quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
  • Bên B không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy đầu tư thực hiện Dự án BT.

Khi xảy ra các trường hợp chấm dứt Hợp đồng, các bên tiến hành thủ tục thanh lý Hợp đồng bằng văn bản. Việc thanh lý Hợp đồng phải được thực hiện xong trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày xảy ra trường hợp chấm dứt hợp đồng.

ĐIỀU 23: TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM VÀ PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG

23.1    Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng: Các bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Hợp đồng này. Trừ trường hợp bất khả kháng theo Điều 21 nêu trên, nếu một bên vi phạm bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia, thì ngoài việc buộc phải thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho bên kia và cho bên thứ ba (nếu có) theo giá trị thiệt hại thực tế.

23.2    Phạt vi phạm Hợp đồng:

Trường hợp các bên vi phạm các nghĩa vụ quy định trong Hợp đồng này thì ngoài việc phải gánh chịu trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng theo khoản 23.1 nêu trên, bên vi phạm còn bị phạt Hợp đồng với mức phạt là 12% giá trị Hợp đồng bị vi phạm.

ĐIỀU 24: QUYẾT TOÁN  HỢP ĐỒNG

24.1    Bên B làm hồ sơ quyết toán Hợp đồng BT theo các quy định hiện hành của pháp luật và Hợp đồng này, được hoàn trả bằng tiền sử dụng đất từ Dự án khác.

24.2    Sau khi Công trình BT được bàn giao, căn cứ vào tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án BT đã được phê duyệt, các phát sinh (nếu có) và diện tích đất thực tế Bên B được nhận bàn giao tại khu đô thị mới Dương Nội, hai bên sẽ làm quyết toán theo quy định.

ĐIỀU 25: BỔ SUNG, SỬA ĐỔI HỢP ĐỒNG

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, nếu có bất cứ sự thay đổi nào buộc phải làm thay đổi quy mô, kết cấu, yêu cầu kỹ thuật của công trình so với Dự án BT được duyệt hoặc do các trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Điều 21 Hợp đồng hoặc khi có những quy định của Nhà nước có liên quan đến các quy định của Hợp đồng thì hai bên sẽ bàn bạc, thoả thuận để sửa đổi và ký Phụ lục bổ sung Hợp đồng.

ĐIỀU 26: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Trong trường hợp có bất kỳ sự tranh chấp nảy sinh từ hoặc liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng này, các bên sẽ cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và hoà giải. Nếu không giải quyết được tranh chấp đó theo cách thức nêu trên trong vòng 30 ngày sau khi bắt đầu các cuộc thương thảo bằng cách một bên gửi thông báo cho bên kia, hoặc trong một thời hạn dài hơn do các bên thoả thuận với nhau bằng văn bản tại thời điểm đó, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị đưa việc tranh chấp ra Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để giải quyết theo quy định hiện hành, khi đó hai bên phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh mọi phán quyết của cơ quan Trọng tài.

 

ĐIỀU 27: ĐIỀU KHOẢN CHUNG

27.1    Các bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Hợp đồng này theo nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng và cùng có lợi.

27.2    Tất cả các điều khoản và từng phần của các điều khoản của Hợp đồng này sẽ có hiệu lực riêng biệt và độc lập với các điều khoản khác và nếu vào bất kỳ thời điểm nào những quy định trên vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thi hành theo quy định của pháp luật liên quan, thì hiệu lực, giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành của các điều khoản còn lại của Hợp đồng sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào.

27.3   Các vấn đề  chưa hoặc không quy định tại Hợp đồng này hoặc đã quy định tại Hợp đồng này nhưng trong quá trình thực  hiện phát hiện thấy khác với quy định hiện hành của Nhà nước thì sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

27.4    Bất kỳ sự chia tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên của bên nào cũng không làm thay đổi hiệu lực của Hợp đồng.

27.5    Bất kỳ sự sửa đổi, bổ sung nào về các điều khoản của Hợp đồng đều phải được sự đồng ý của hai bên và được ghi nhận bằng Phụ lục, Phụ lục hợp đồng là một bộ phận không tách rời của Hợp đồng này.

27.6    Hai bên thừa nhận rằng mình đã đọc, hiểu rõ và chịu sự ràng buộc của Hợp đồng, đồng thời cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng. Tất cả các điều khoản khác không được quy định trong Hợp đồng sẽ được hiểu và áp dụng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

27.7    Hai bên đảm bảo rằng cá nhân ký kết Hợp đồng thay mặt cho mỗi bên là người có đủ thẩm quyền ký vào Hợp đồng.

27.8    Các phụ lục, hồ sơ kèm theo được liệt kê dưới đây và các văn bản thoả thuận là bộ phận không tách rời của Hợp đồng:

  • Hồ sơ dự án đầu tư của Dự án BT và Dự án khác được UBND tỉnh phê duyệt.
  • Phụ lục số 01: Quy mô đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các giải pháp kỹ thuật của Dự án BT.
  • Phụ lục số 02: Bảng tiến độ thực hiện Dự án BT.
  • Phụ lục số 03: Các văn bản pháp lý chứng minh khả năng tài chính thực hiện dự án của Bên B.
  • Phụ lục số 04: Các văn bản, thông báo, quyết định của chính phủ và UBND tỉnh Hà tây về việc chấp thuận triển khai Dự án BT.
  • Phụ lục số 05: Các Quyết định phê duyệt Dự án BT và Dự án khác của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây.

27.9    Hợp đồng gồm 27 điều 18 trang được đánh số thứ tự từ trang 1 đến trang 18 mỗi trang đều có chữ ký của hai bên. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký đến khi Dự án BT được bàn giao đưa vào sử dụng và hết thời gian bảo hành. Hợp đồng này được lập thành 30 bản, có giá trị như nhau, Bên A giữ 10 bản, Bên B giữ 10 bản, 10 bản sẽ được gửi cho các cơ quan chức năng./.

ĐẠI DIỆN BÊN A                                                      ĐẠI DIỆN BÊN B

Câu hỏi : Giàn phơi thông minh Hòa Phát HP-701
Đáp án: XXX0000 (7 ký tự số) . Xem cách tải phía dưới.

Ngoài ra, đơn vị chúng tôi còn nhận thiết kế theo yêu cầu:
* Cam kết đảm bảo chất lượng – tiến độ thiết kế;
* Phục vụ Quý Khách hàng tận tình, chu đáo;
* Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng giá cả tốt nhất: 60.000₫-70.000₫/m2.
☎☎ LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI (Phục vụ toàn quốc)
☎ Hotline/Zalo: 0904.87.33.88
(Tư vấn miễn phí) Nguồn:  https://Banvenhadep.net